Để phù hợp với xu hướng thị trường cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, các thương hiệu, công ty đã phải thay đổi logo của mình theo thời gian. Vậy các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, logo như thế nào trong nhiều thập niên qua? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích về câu chuyện tiến hóa của 3 logo nổi tiếng thế giới nhé.
Shell
Shell là công ty dầu mỏ toàn cầu có trụ sở đặt tại Hà Lan với văn phòng đăng ký tại trung tâm Shell London. Shell là công ty năng lượng lớn thứ 2 thế giới trong danh sách của Forbes năm 2011. Công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí gồm thăm dò và sản xuất, tinh chế và phân phối.
Sự thay đổi của logo qua các năm
Logo nổi tiếng thế giới này lấy hình vỏ sò có màu vàng và màu đỏ chủ đạo. Qua trăm năm năm xây dựng và phát triển, thương hiệu đã trải qua nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu. Trong đó biểu tượng đang được sử dụng chính là biểu tượng thứ 10 của thương hiệu nổi tiếng này. Biểu tượng logo vỏ sò đầu tiên được ra mắt vào năm 1990. Sau đó logo được thay đổi liên tục trong các năm 1904, 1909 và 1930, 1948.
Năm 1955, logo thương hiệu được thay đổi có thêm chữ “shell” trong logo. Logo tiếp tục được thay đổi trong các năm 1962, 1971, 1995 nhưng vẫn bao gồm 2 yếu tố chính là hình vỏ sò và chữ shell. Từ năm 1999, thương hiệu đã bỏ chữ shell và chỉ sử dụng hình vỏ sò làm logo. Đây cũng là sự thay đổi hợp lý, dễ hiểu bởi lúc này Shell đã là một thương hiệu có tiếng, nổi danh trên toàn cầu nên chỉ cần hình ảnh vỏ sò cũng khiến khách hàng nhận ra thương hiệu.
Biểu tượng được thương hiệu sử dụng hiện nay là tác phẩm của nhà thiết kế nổi tiếng Raymond Loewy. Trước năm 1915, thương hiệu sử dụng nhiều màu sắc không thống nhất trong logo. Đến năm 1915, vấn đề này đã được đưa ra bàn luận, xem xét để làm thế nào tạo ra một biểu tượng vừa rõ ràng, vừa thể hiện được sự nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường khác. Tập đoàn sau đó đã lựa chọn những màu sắc có tính sặc sỡ nhưng không quá gắt để tránh gây phản tác dụng, khiến người tiêu dùng cảm thấy phản cảm, lòe loẹt.
Thời gian trôi qua, Shell đã trở thành một trong những tập đoàn nổi tiếng hàng đầu thế giới. Logo thương hiệu cũng được biết đến rộng rãi, phổ biến hơn. Tuy đơn giản nhưng biểu tượng của Shell lại chinh phục được không ít người tiêu dùng bởi câu chuyện lịch sử đầy cảm động đằng sau. Đó là tình phụ tử đầy cảm động và hàm ý không quên nguồn cội.
Apple
Apple được biết đến là một trong những thương hiệu công nghệ nổi tiếng bậc nhất hiện nay. Cùng với sự nổi danh của thương hiệu, logo với hình ảnh trái táo cắn dở cũng trở thành một biểu tượng, định vị thương hiệu.
Logo đầu tiên khác xa so với bây giờ
Những ngày đầu mới hoạt động, Steve Jobs đã sử dụng thiết kế logo của Ronald Wayne – nhà đồng sáng lập ban đầu của thương hiệu. Theo đó bức tranh được thiết kế với hình ảnh Newton ngồi đọc sách dưới gốc cây, phía trước là chữ Apple Computer Co. Theo đó, định nghĩa về trọng lực của Newton về trọng lực tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc tới giới khoa học tựa như những tác động mà Apple đã làm với thế giới công nghệ.
Tuy nhiên nhà sáng lập Steve Jobs không thực sự hài lòng với thiết kế này bởi ông cho rằng nó quá phức tạp khi cho lên những thiết bị điện tử cỡ nhỏ. Đồng thời ý tưởng này cũng không lột tả được rõ ràng triết lý mà thương hiệu đang theo đuổi. Theo đó, Steve Jobs đã phối hợp với nhà thiết kế đồ họa Rob Janoff nhằm tạo ra một thiết kế khác phù hợp hơn.
Sự thay đổi của logo qua các năm
Hình dáng nguyên bản của logo thương hiệu được Rob Janoff tạo ra vào năm 1976 với hình ảnh trái táo cắn dở. So với những thương hiệu khác, Apple trung thành với logo trái táo từ thời điểm đó tới tận ngày nay. Qua các thời kỳ, logo thương hiệu chỉ có sự thay đổi về màu sắc.
Lúc đầu, logo thương hiệu có màu 7 sắc cầu vồng. Việc này thể hiện quyết tâm của thương hiệu trong việc thay đổi cuộc chơi trong ngành công nghệ khi thời điểm đó màu sắc là yếu tố có tính quyết định. Tới năm 1998, Steve Jobs đã quyết định thay đổi biểu tượng thương hiệu sang dạng đơn sắc vì đa màu sắc đã không còn là vũ khí cạnh tranh sống còn. Theo đó logo hãng dần chuyển sang 1 tông màu, thiết kế đổ bóng đẹp mắt, ấn tượng.
Ý nghĩa logo và vết cắn trên biểu tượng trái Táo
Chúng ta đều biết rằng trái táo cắn dở là biểu tượng của thương hiệu nổi tiếng này. Nhưng liệu bạn đã hiểu hết về ý nghĩa biểu tượng này chưa? Cụ thể táo cắn dở trong tiếng Anh có nghĩa là “an apple with a bite”. Từ bite khi phát âm lái đi khá giống với từ byte – một thuật ngữ công nghệ. Ví von hoàn hảo này đã gắn kết được biểu tượng thương hiệu với lĩnh vực công nghệ.
Giám đốc điều hành của Apple cũng cho biết ý nghĩa hình ảnh quả táo cắn dở trong logo thể hiện cho sự ham muốn không ngừng nghỉ cũng như tham vọng thay đổi liên tục để đạt tới sự hoàn hảo của các sản phẩm được sản xuất bởi Apple.
Biểu tượng Apple được thiết kế như thế nào?
Bạn cho rằng logo Apple quá đơn giản, có thể được tạo ra dễ dàng? Nếu đang suy nghĩ như vậy chắc chắn bạn đã lầm. Bởi để thiết kế nên hình dáng quả táo khuyết, designer đã sử dụng tỉ lệ vàng ứng dụng dãy số Fibonacci.
Starbucks
Starbucks là thương hiệu cà phê nổi tiếng hàng đầu thế giới. Hãng cà phê danh tiếng này được thành lập vào 30.3.1971 với trụ sở chính đặt tại Seattle, Washington, Hoa Kỳ. Hãng mở rộng quy mô ra hơn 49 quốc gia với hơn 17.800 cửa hàng. Năm 2013, thương hiệu cà phê này bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam với cửa hàng đầu tiên tại Hồ Chí Minh.
Theo nhà sáng lập Gordon Boweker, thủa đầu họ dự định đặt tên cho thương hiệu là Cargo House. Tuy nhiên một đối tác làm tại công ty quảng cáo đã gợi ý cho họ đặt tên thương hiệu bắt đầu với 2 chữ “St” để gây ấn tượng. Sau đó cái tên Starbucks đã ra đời. Tên thương hiệu thể hiện truyền thống đi biển của những người buôn cà phê đầu tiên đồng thời cũng tượng trưng cho sự lãng mạn của những làn sóng biển xanh biếc rì rầm.
Sự thay đổi của logo qua các năm
Nổi tiếng khắp thế giới nhưng ít người biết được rằng logo thủa ban đầu của thương hiệu không mấy thu hút và không mang tính thương mại. Logo Starbucks đầu tiên ra đời vào năm 1971 với hình ảnh nàng tiên cá với chiếc đuôi xù xì không mấy đẹp mắt, không tạo được thiện cảm cho người tiêu dùng. Thậm chí nhiều vị khách còn cho rằng mẫu logo này trông thật đáng sợ, nó có nhiều chi tiết rườm rà không cần thiết.
Năm 1987, logo được thay đổi với hình ảnh nàng tiên cá cùng phần tóc xõa dài kín đáo che ngực, đuôi được cách điệu trông đẹp mắt hơn. Đặc biệt, thương hiệu đã kết hợp màu xanh lá chủ đạo với màu đen trắng trong logo mới. Năm 1992, nàng tiên cá đã được thổi hồn với nụ cười dịu dàng nở trên môi. Hình ảnh 2 chiếc đuôi trên logo cũng được lược bỏ bớt.
Lần thay đổi gần nhất là năm 2011, Starbucks đã cho ra mắt phiên bản tối giản, bỏ đi tên thương hiệu ở viền, lấy màu chủ đạo là xanh trắng. Theo đó logo mới trông hiện đại, thẩm mỹ, đẹp mắt và thu hút hơn rất nhiều.
Việc loại bỏ phần viền, tên thương hiệu để tập trung vào màu sắc cùng hình ảnh mỹ nhân ngư được coi là quyết định khá liều lĩnh của thương hiệu nổi tiếng này. Đặc biệt khi thương hiệu đã có thay đổi nhận diện không mấy thành công vào năm 2008. Tuy nhiên quyết định lần này giúp khách hàng liên tưởng hình ảnh mỹ nhân ngư với Starbucks để từ đó khiến họ luôn nhớ về thương hiệu.
Có thể bạn chưa biết nhưng điều đặc biệt của nàng mỹ nhân ngư chính là vẻ đẹp không hoàn hảo với đường nét khuôn mặt bất đối xứng đem lại cảm giác dễ gần, thân thiện, trông có linh tính, “giống người” hơn. Từ năm 2011 đến nay, hình ảnh mỹ nhân ngư được để tự do, không bị bó buộc bởi khung tròn tạo cảm giác vô tận không có kết thúc. Sự đổi mới này kết hợp với sắc xanh thiên nhiên khẳng định được tính kết nối của thương hiệu với người tiêu dùng cũng là thông điệp cam kết về chất lượng, an toàn. Chính những giá trị bền vững được tạo ra này đã góp phần giúp thương hiệu thu hút cũng như giữ lòng tin của người tiêu dùng qua hàng chục năm phát triển.
Trên đây là những thông tin chi tiết về câu chuyện tiến hóa của 3 mẫu logo nổi tiếng thế giới là Shell, Apple và Starbucks. Ngày nay, các thương hiệu không ngừng phát triển, làm mới bản thân để mang đến cho khách hàng những phiên bản tốt nhất của mình. Hy vọng bài viết với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về quá trình phát triển của các thương hiệu cũng như có cái nhìn tổng quát về sự thay đổi của bộ nhận diện, logo qua từng thời kỳ.
[elfsight_form_builder id=”6″]